GIAO LƯU CHUYÊN MÔN: MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIÚP HỌC SINH YÊU THÍCH MÔN LỊCH SỬ
Thực hiện Kế hoạch số 4340/KH-SGDĐT ngày 12/12/2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc tổ chức phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển – Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022-2025, hưởng ứng phong trào thi đua chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày 25/10/2023 liên trường THPT Minh Phú, THPT Trung Giã, THPT Sóc Sơn đã tổ chức chương trình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy môn Lịch sử. Buổi giao lưu có sự tham dự của Ban Giám hiệu và tổ bộ môn Lịch sử của ba trường trong cụm Sóc Sơn.
Phần 1: Dự giờ tiết dạy Lịch sử lớp 12K do cô giáo Đinh Thị Thanh Tâm giảng dạy.
Với phương pháp đổi mới, sáng tạo cùng sự say mê, tâm huyết với nghề, các tiết học lịch sử giờ đây không còn khô khan mà tràn ngập sự vui vẻ, hứng khởi. Học sinh trở thành trung tâm, phải bắt tay hợp tác để giải quyết từng nhiệm vụ được giao. Tiết học trở nên nhẹ nhàng với những hình ảnh bắt mắt, từ khoá cô đọng mà không nặng nề vì phải “đọc chép”.
Học sinh tích cực tham gia hoạt động với các phần: Mở đầu: Tôi là ai? Phần 2: Giải mật thư Sau đó được thuyết trình bài làm, nhận xét, chấm điểm chéo theo nhóm. Tổng kết: Viết và chia sẻ về điều tâm đắc sau bài học.
Học sinh tự chiếm lĩnh kiến thức qua các hoạt động, được vận dụng kiến thức để liên hệ với thực tế và suy nghĩ sâu nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra từ bài học. Từ đây chạm đến trái tim và đánh thức tình yêu lịch sử trong mỗi học sinh. Và đúng là qua mỗi tiết học sôi nổi như vậy học trò phải thốt lên “Lịch sử không chán như em tưởng”.
Vai trò của giáo viên chuyển từ “người dạy” sang “tổ chức, kiểm tra, định hướng”. Thực hiện hiệu quả phương pháp “Học mà chơi – Chơi mà học”.
Phần 2: Trao đổi, chia sẻ chuyên môn về: Một số biện pháp giúp học sinh yêu thích bộ môn lịch sử.
Trước thực trạng học sinh chưa yêu thích môn lịch sử, còn coi lịch sử là môn phụ. Trong khi, đầu vào của học sinh trường THPT Minh Phú chưa cao, nhìn chung còn thấp so các trường trong cụm. Thầy cô tổ bộ môn lịch sử đưa ra các giải pháp: Đối với kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia
- Xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với đối tượng học sinh cụ thể.
- Hướng dẫn học sinh học tập bám sát sách giáo khoa.
- Thiết kế các chủ đề học tập để ôn luyện sau khi đã hoàn thành kiến thức cơ bản. 4. Biên soạn hệ thống câu hỏi bài tập tự luận, trắc nghiệm theo bài, theo chủ đề. 5. Rèn các kĩ năng quan sát, nhận định, đánh giá, phân tích, so sánh, …. các hiện tượng lịch sử, rèn luyện phong cách tự học.
- Hướng dẫn phương pháp học tập: lập đề cương theo sơ đồ tư duy.
- Hướng dẫn học sinh kĩ năng làm bài thi. Trong quá trình giảng dạy, thầy cô sử dụng phương pháp “Kỷ luật tích cực” khi học sinh phạm lỗi, như cho bài tập tăng cường, “thưởng” thêm đề và tăng thêm giờ học. Sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ những học sinh yếu kém.
Cùng với đó là sự quan tâm sát sao của Ban Giám hiệu, luôn chia sẻ với thầy cô trong nhóm chuyên môn để nâng cao chất lượng dạy học.
Qua buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy môn Lịch sử, mong rằng chất lượng dạy học của các trường sẽ được nâng lên trong những năm học tới. Đổi mới giáo dục và đặc biệt trong công tác dạy và học sẽ giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ; giúp hình thành và phát triển năng lực, kĩ năng chuẩn bị cho việc lựa chọn nghề nghiệp của học sinh, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
“Một hành trình dài bắt đầu từ những bước đi nhỏ”, hành trình đổi mới giáo dục rất cần những thầy cô dám tiên phong thay đổi. Và mỗi tiết học, dù nhỏ thôi, học sinh thêm yêu thích lịch sử là hành trình vạn dặm được rút ngắn và bớt gian nan.