CUỘC THI VIẾT “NHỮNG KỶ NIỆM SÂU SẮC VỀ THẦY CÔ
VÀ MÁI TRƯỜNG” NĂM 2023
Họ và Tên: Tạ Việt Hoàng
Lớp:11A1
Trường THPT Minh Phú
Địa chỉ: Phú Hạ- Minh Phú- Sóc Sơn- Hà Nội
Số điện thoại : 0336006776
Nhân vật trong tác phẩm : Bố Tạ Mạnh Hà- người truyền cho em ngọn lửa của niềm đam mê toán học
Bài làm
Ấn tượng về mọi người khi nói về bố là như thế nào vậy ? Có thể khi được hỏi câu hỏi đó, mọi người sẽ rất khó để trả lời, bởi bố luôn là một vị trí vững chãi và đóng rất nhiều vai trò trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta : bố là trụ cột gia đình, một người đàn ông mạnh mẽ, một hình tượng mà mỗi chúng ta luôn hướng đến,…Nhưng không phải tất cả mọi người đều thân thiết và gần gũi với bố, không phải vì giữa hai bố con có sự xung đột nào mà chỉ đơn giản là “ngại”. Tất nhiên là bản thân em cũng vậy, nên ngày hôm nay, em muốn gửi bài viết này tới bố, người truyền cho em ngọn lửa của niềm đam mê toán học, khi mà ngọn lửa ấy vẫn thắp sắng và còn dẫn lối cho em đến tận ngày hôm nay.
Nói bố là người thắp lên ngọn lửa của niềm đam mê về những con số, về những hình vẽ chằng chịt thì chưa hẳn là đúng, bởi người đầu tiên làm em thấy hứng thú với bộ môn mà nhiều người phải “rén” này phải là mẹ em, nhưng người thực sự khiến nó từ một tàn lửa le lói vẫn còn được ấp ủ mà bùng lên thành ngọn lửa nhiệt huyết mãnh liệt thì phải là bố em. Đọc đến đây thì có thể các độc giả cũng đã mang máng nhận ra bố em là một vị giáo viên rồi nhỉ ! Đúng là như vậy ạ, bố em là giáo viên dạy toán hiện đã và đang công tác tại ngôi trường cấp hai mà em từng theo học – trường THCS Minh Phú.
Bố em là một người đàn ông với thân hình rắn rỏi, làn da sạm đen vì những năm tháng vất vả thời thanh niên cùng với những vết sẹo trên tay và chân là hệ quả từ niềm đam mê gà chọi của bố càng làm cho bố nhìn thêm “chiến”. Khuôn mặt bố nổi bật lên những nét khắc khổ của người con Việt Nam được sinh ra và từng trải qua một phần của thời kỳ bao cấp, đôi mắt nghiêm nghị sáng chói luôn nhìn thấu tâm can bất cứ học sinh nào dám gian lận trong bài thi. Và che phủ bên trên khuôn mặt đó, lại là 1 mái tóc không được hoàn hảo cho lắm, và điều đó cũng là điều khiến bố em trở nên độc đáo và đặc biêt. Phảng phất trên mái tóc ấy là một vài vệt trắng, trông tựa như bụi phấn lâu năm ám sâu vào tóc bố, chúng bám chắc đến nỗi mỗi khi ngó lên mái tóc của bố, nom như nó đã phải trải qua 1 cuộc đấu tranh kịch liệt và những vệt trắng ấy chính là những vết sẹo sau hàng trăm, hàng ngàn nhát cắt của thời gian, nó để lại trên mái tóc và da đầu bố những tổn thương khó chữa lành hằn sâu vào từng tế bào sắc tố tóc của người trụ cột gia đình đã kiên cường trải qua nhiều thập kỉ. Mái tóc bố đặc biệt là như vậy, nhưng bố lại có thân thể khoẻ khoắn và tương đối cường tráng nhờ vào chế độ ăn uống và tập luyện mà đến em, anh trai em hay mỗi thanh niên đều nên học theo. Thật vậy, mặc dù đã U50 nhưng bố vẫn giữ được thói quen tập thể dục đều đặn hằng ngày và 1 chế độ ăn phải nói là cực kì “healthy”. Bố không thường xuyên và cũng không thích uống rượu, cũng không sử dụng bất kỳ loại chất kích thích nào. Thực ra em có nghe mẹ kể lại trước kia thời trai tráng bố từng hút thuốc rất nhiều nhưng bằng sự kiên định và quyết tâm, bố đã bỏ thuốc hoàn toàn vì sức khoẻ của vợ con và người thân, câu chuyện ấy lại lần nữa càng khiến em cảm thấy thêm tôn trọng và tự hào về bố của mình.
Và cũng thật may, thật sự rất may khi 2 năm cuối cấp 2, bố lại là người đứng lớp và đồng hành cùng môn toán của lớp em cho đến khi chúng em ra trường. Có bố là giáo viên dạy toán, thực sự đó là lợi thế rất lớn của em đối với các bạn đồng trang lứa, nên cũng dễ hiểu khi năng lực học toán của em khi đó có nhỉnh hơn với các bạn xíu xiu và cũng chỉ vừa đủ cho em suýt soát chen chân vào đội tuyển toán 9 đi thi thành phố của huyện Sóc Sơn, tuy là kết quả của lần thi ấy không được như em mong muốn, nhưng em vẫn thấy vui vì quá trình mình cố gắng, vất vả đã đem lại cho bản thân rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm.
Mọi người thường có suy nghĩ rằng mấy đứa con giáo viên thì sẽ bị ép học này ép học nọ hay con giáo viên sẽ được nâng đỡ nhưng thự sự những khái niệm đó không tồn tại trong cuộc sống của em, là con út trong một gia đình có cả bố và mẹ đều là giáo viên và đứng sau cái bóng của 1 người anh trai quá đỗi là hoàn hảo, nhưng em chưa từng bị tạo áp lực bởi bố mẹ hay gia đình, mọi người cũng nhau rèn cho em tính tự giác từ khi em còn rất nhỏ, để rồi đến giờ đây, nó đã trở thành bản năng hằn sâu trong tiềm thức của 1 đứa trẻ và vẫn đang được chính em phát huy, theo em là khá tốt. Và em cũng không hề từng một lần được biết tới cái gọi là “được nâng đỡ”, thay vào đó, em còn bị đánh giá một cách nghiêm khác và chặt chẽ hơn rất nhiều. Điều đó tuy là khá khó chịu nhưng nó lại giúp ích cho em một phần không nhỏ trong công cuộc rèn luyện và học tập.
Có lẽ vì con người muốn năng suất hơn thì đều sẽ phải có 1 chút xíu áp lực (hoặc cũng có thể là chỉ mình em nghĩ như thế) , nên cũng nhiều lúc em đã tự tạo áp lực cho chính mình để đẩy bản thân đến trạng thái làm việc hiệu quả hơn và cũng có nhiều khi những áp lực tự em tạo ra lại quay lại đè nặng lên tâm trí khiến em thực sự bị streess bị lún dần vào cái hố bùn mang tên áp lực. Những lúc đó, bố và gia đình vẫn là những người đầu tiên kéo em thoát khỏi vũng lầy mà em cứ ngỡ mình sẽ bị nhấn chìm mãi.
Tất nhiên là trong quá trình học tập suốt những năm cấp 2 và cũng là thời gian em được đồng hành cùng bố dưới vai trò là 1 cậu học trò, bản thân em cũng có những kỉ niệm đáng nhớ với người thầy đặc biệt ấy. Nhưng sâu đậm nhất vẫn là kỉ niệm về buổi đêm hè nọ trong giai đoạn cuộc thi học sinh giỏi môn Toán thành phố đã đến rất gần và đội tuyển đang chạy đua đến giai đoạn nước rút.
Dành cho những ai chưa biết thì năm đó cuộc thi học sinh giỏi toán 9 hay còn gọi là “Cuộc thi câu lạc bô em yêu thích cấp thành phố” được triển khai vào đúng vào lúc đại dịch covid 19 còn rất căng thẳng nên chúng em phải ôn online. Khi đó dạy ôn đội tuyển có 3 thầy cô, 2 thầy cô dạy số và 1 thầy dạy hình, thực sự đó là 1 khoảng thời gian mà em bị đẩy vào trạng thái căng thẳng nhất, khi khối lượng bài tập cần làm rất lớn (trung bình mỗi thầy cô 20 bài toán ở cấp độ vận dụng cao sau mỗi buổi học) chưa kể lượng bài tập em phải tự rèn thêm nếu không muốn bị tụt lại phía sau so với cả đội.Và đêm hôm đó là 1 buổi tối làm việc rất hiệu quả của em, khi mà mới gần nửa đêm thì em đã hoàn thành hết chỉ tiêu của ngày, chỉ còn duy nhất một bài toán, bài toán tìm nghiệm nguyên ấy rất hại não. Giờ đây với cương vị là 1 học sinh lớp 11 và còn là lớp A1 của trường nhưng nếu cho em quay về khoảng thời gian đó thì thực sự chưa chắc là em còn giải nổi những bài toán năm xưa. Sau 1 tiếng rưỡi ngồi thử hết mọi cách mà bộ não nông cạn của 1 thằng học sinh lớp 9 đang căng thẳng vì sắp đến hạn nộp bài tập có thể nghĩ ra thì em vẫn không thể giải được bài toán hóc búa ấy. Đồng hồ điểm 12 giờ đêm, em vẫn trằn trọc bên chiếc bàn học sáng đèn giữa màn đêm… Sau khi lâm vào thế bí thực sự và đã nháp kín 4 tờ A4 mà vẫn không tìm ra nổi dù là 1 hướng đi có thể bám víu vào thì em đã phải tìm đến giải pháp cuối: đi hỏi bố. Nhưng khi ngồi xem bố giải, em thấy bố cũng trở nên dần lúng túng vì dù đã áp dụng theo tất cả những phương pháp chuẩn của dạng thì bài toán vẫn cứ bị vướng mắc ở đâu đó, ở một chỗ nào đó, nơi ánh sáng của chiếc đèn huỳnh quang trắng trong căng phòng tĩnh lặng trong đến tối có thể rọi tới thì bố đã đích thân rút điện thoại ra gọi thẳng cho cô giáo dạy ôn đã ra đề bài toàn này. Từng tiếng T..út…tút…tút vang lên với sự kiên định và chắc chắn của bố, không biết từ bao giờ, âm thanh chờ của chiếc điện thoại luôn biểu thị cho sự chờ đọi không biết điểm dừng ấy trong một khoảng khắc lại khiến em vững dạ đến lạ. Và với lời xác nhận là cô đã bất cẩn chép sai đề và sẽ gửi lại đề đúng trên nhóm ôn chung. Tầm 5 phút sau thì có 1 đoạn đề ngắn mới được gửi lên nhóm ôn học sinh giỏi thì ra là cô đã chép nhầm số mũ, chỉ một con số nhỏ bé ấy thôi nhưng khi bị sai lệch lại khiến một bài toán trở nên căng thẳng và nguy hiểm đến vậy, quả là toán học vừa nguy hiểm nhưng cũng thật hấp dẫn! Với đề bài mới, 2 bố con giải 1 lúc đã ra ngay kết quả với kết quả là những số khá đẹp và tròn trĩnh, thoả mãn nhìn lại thành quả của mình, hai bố con nở một nụ cười tươi thoáng chút mệt nhoài trước khi tắt đèn kết thúc buổi tối học tập đầy năng suất. Tuy mọi việc đều diễn ra chỉ trong một buổi tối và là một câu chuyện không có gì đặc sắc nhưng với bản thân em lúc đó và cho tới tận bây giờ, việc bố làm để giúp em khiến em được vững tin và thấy bớt áp lực hơn rất nhiều, bởi điều đó thể hiện rằng, sau mỗi bước chân của em trên con đường trường thành vẫn luôn có ánh mắt của người bố mà em vẫn luôn nghĩ là 1 người khô khan dõi theo từng ngày.
Đó là lí do mà bố luôn là 1 người đặc biệt trong cuộc đời của em mà không ai có thể thay thế, là 1 hình tượng mà em luôn muốn hướng tới: thẳng thắn; kiên định và không nao núng trước bất kì hoàn cảnh nào trong cuộc sống.
Niềm đam mê về toán mà bố nuôi dưỡng và ấp ủ trong em suốt những năm học toán không chỉ giúp em cải thiện khả năng tư duy, mà nó còn giúp em có thể theo đuổi những mục tiêu lớn lao, giúp em sau này không chỉ theo đuổi được duy nhất môn toán, những kỹ năng như giải hệ, nhẩm nghiệm,… sau này vẫn được em áp dụng vào những bài tập của môn hoá, vật lí và nhiều môn khác. Gần gũi hơn nữa, toán giúp em theo đuổi được sở thích làm đồ thủ công khi mà trong quá trình chế tác, có hàng ngàn bài toán về hình học được đặt ra, tuy đơn giản nhưng nó cũng khiến em vui mỗi khi tìm ra cách giải quyết. Rõ ràng là trong một mô hình robot bằng giấy mà em cố gắng để hoàn thành, luôn luôn có những bộ phận mà không chỉ cần áp dụng những phương pháp đo dựa vào các định lý hình học, như là định lý Thales để giảm chiều cao của một miếng bìa hình thang mà không làm lệch đi góc của nó, hay phương pháp dựng các hình đa giác đều bằng compa và thước thẳng,…mà đôi khi cũng cần dùng số học để tính số miếng bìa cần cắt hay tính toán sao cho khi xếp các mảnh lại thì tỉ lệ của mô hình là đẹp nhất, cân đối nhất. Tất cả đều là những ứng dụng dù là rất nhỏ của toán học vào mỗi công trình thủ công mà bản thân em luôn chăm chút và tỉ mỉ. Chỉ vậy thôi cũng đã đủ để cho 1 thằng nhóc 16 tuổi đầu nhận ra ảnh hưởng phần nào của niềm đam mê toán học đến cuộc sống hàng ngày cũng như sở thích của bản thân mình, và em thật sự rất biết ơn bố – người đã truyền cho em niềm đam mê ấy, để giờ đây em được như ngày hôm nay, được theo đuổi đam mê và đủ khả năng theo đuổi đam mê.
Sắp tới cũng là ngày 20-11, ngày mà mọi người cùng bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng đến những người thầy giáo, cô giáo trên toàn thể đất nước Việt Nam thân yêu. Em cũng xin được gửi lời chúc đến toàn thể những người đã và đang là thầy giáo, cô giáo trên khắp mọi miền tổ quốc nói chung, một sức khoẻ dồi dào, tinh thần vui vẻ, tâm hồn tươi trẻ, và đạt nhiều thành công trong công việc “trồng người”, mãi là người lái đò cao quý của những học sinh-tương lai của đất nước. Và con xin được gửi riêng tới bố lời cảm ơn, cảm ơn vì đã ban cho con cuộc sống trên cuộc đời này, cảm ơn vì công ơn dưỡng dục suốt 16 năm qua, cảm ơn vì những lần vực con dậy khi con vấp ngã, cảm ơn vì mọi thứ bố đã dành cho con.Và con cũng muốn xin lỗi vì những giây phút khiến bố phiền lòng, về những lần làm trái ý bố. Cuối cùng, con xin chúc bố luôn luôn đẹp trai, mạnh khoẻ, hạnh phúc và mãi mãi là nguồn nhiệt huyết cho những thế hệ học sinh kế tiếp.
Có lẽ ngày bình thường con không dám nói với bố câu này, nhưng ngày hôm nay, ngay tại bài thi này, cho phép con được gửi tới bố 3 chữ mà trước nay con chưa từng dám nói: “CON YÊU BỐ!”.