Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 5 được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội và Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tổ chức hướng tới kỷ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2021). Giải thưởng được tổ chức nhằm tôn vinh những nhà giáo Hà Nội nhiệt tình, tâm huyết; có đóng góp xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.
Để khích lệ các Nhà giáo Hà Nội tự học tập, rèn luyện, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn giáo dục mỗi cơ sở, tạo ra những hiệu quả mới, những chuyển biến mới trong mỗi đơn vị nhà trường. Trong hai ngày 26-27/10/2021, ngành GD&ĐT Hà Nội tổ chức vòng chung khảo xét duyệt giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 5. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vòng chung khảo năm nay được diễn ra theo hình thức trực tuyến tới điểm cầu các Phòng GD&ĐT và các nhà trường.
Trước đó, từ tháng 2 đến tháng 5/2021, giải thưởng đã được các phòng GD & ĐT, các nhà trường triển khai sâu rộng đến các nhà giáo. Nhiều ý tưởng, giải pháp đổi mới trong quản lý, chỉ đạo dạy học, đổi mới phương pháp, xây dựng trường học hạnh phúc, bồi dưỡng học sinh giỏi, dạy học trực tuyến, công tác giáo viên chủ nhiệm, ứng dụng công nghệ thông tin được chia sẽ.
Qua các vòng khen thưởng cấp trường, cấp quận, huyện, 155 nhà giáo tiêu biểu ở các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đã được đề nghị xét duyệt và trao giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” cấp Thành phố.
Hội đồng xét duyệt giải thưởng đã tổ chức chấm vòng sơ loại và chọn 40 nhà giáo để xét duyệt vòng chung khảo. Trong đó, cấp mầm non 10 nhà giáo, cấp tiểu học 10 nhà giáo, cấp trung học cơ sở 10 nhà giáo, cấp trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên 10 nhà giáo”.
( sưu tầm từ trang web https://baodantoc.vn/)
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương- giáo viên môn Vật lý, tổ trưởng chuyên môn tổ Tự nhiên trường THPT Minh Phú đã vinh dự được báo cáo trực tiếp tại vòng chung khảo.
Mở đầu là phần giới thiệu khái quát về đặc điểm tình hình trường THPT Minh Phú. Tiếp theo, cô giáo trình bày góc nhìn từ đối tượng học sinh như: học sinh có học lực yếu; học sinh rụt rè, thiếu tự tin; niềm tin giới hạn về bản thân; cha mẹ học sinh chủ yếu làm nông nên chưa quan tâm đúng cách đến con. Trên cơ sở khó khăn đó, cô giáo luôn trăn trở làm sao để mang lại những điều tốt đẹp nhất cho học trò của mình. Với sự nỗ lực của bản thân, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương luôn có góc nhìn mới từ các học trò. Cô luôn tự đào tạo, tự học hỏi và tìm kiếm, tiếp cận tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau, tham gia nhiều khóa học hỗ trợ các kỹ năng sư phạm. Trên cơ sở đó, cô giáo đã vận dụng và điều chỉnh linh hoạt với học sinh, được ban giám hiệu tin tưởng nên cô luôn tự tin chia sẻ và lan toả đến đồng nghiệp, học sinh toàn trường. Đây chính là hành trình thay đổi mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực cho nhà trường, cho các thế hệ học sinh thân yêu.
Những giải pháp sáng tạo mà cô Nguyễn Thị Thu Hương áp dụng trong công tác giảng dạy và chủ nhiệm:
1. Phát triển năng lực học sinh qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo:
Những hoạt động trải nghiệm được cô thực hiện trong quá trình giảng dạy đã mang lại nhiều bổ ích, lí thú cho học sinh. Chính sự đam mê, yêu nghề của cô đã “ thổi hồn” biến môn Vật lý tưởng chừng như khô khan trở nên hào hứng, sôi nổi qua phần đọc ráp, thơ, vè của học sinh, qua các mô hình thiết thực và các trò chơi mà các em được tham gia.
Thông qua những tiết học lí thú, hấp dẫn của cô, học trò thấy yêu bộ môn hơn, phát huy được nhiều năng lực hơn. Cô đã tăng cường dạy học phát triển năng lực học sinh qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo và luôn đổi mới trong công tác chủ nhiệm để xây dựng lớp học hạnh phúc. Đây chính là kinh nghiệm thực tiễn mà nhiều giáo viên bộ môn trong trường và đồng nghiệp có thể áp dụng vào trong giảng dạy để nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.
Cô giáo đã lập nên dự án câu lạc bộ Vật lý với 4 giai đoạn:
– Giai đoạn ươm mầm với việc tăng cường đưa thí nghiệm, thực tiễn và những STEAM vào bài dạy, rèn luyện các kĩ năng CNTT, tìm kiếm thông tin…
– Giai đoạn 2: thắp lửa với việc phát động dự án “ Nhà sáng chế” trong lớp, học sinh viết báo cáo ý tưởng theo nhóm nhỏ hoặc độc lập…;
– Giai đoạn 3 là lan toả bằng việc các nhóm lôi cuốn học sinh toàn trường tham gia các trải nghiệm thú vị….
– Giai đoạn 4 với tên gọi “ Phát triển quy trình”: Khi Nhà trường tổ chức ngày hội trải nghiệm sáng tạo quy mô toàn trường với sự góp mặt của các bộ môn Toán – Lý – Hóa và nhóm sáng tạo, Câu lạc bộ Vật lý đã đóng vai trò nòng cốt trong tất cả các hoạt động trải nghiệm do nhóm Vật lý phụ trách. Ngày hội đã mang lại ấn tượng mạnh mẽ cho học sinh toàn trường, các đoàn khách mời của Sở GD & ĐT Hà Nội và các trường trong Cụm.
2. Đổi mới trong công tác chủ nhiệm hướng tới lớp học hạnh phúc
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương chia sẻ: Để một ngôi trường trở thành “Trường học hạnh phúc” thì mỗi lớp học cũng cần là một “lớp học hạnh phúc”. Với nhiệm vụ là giáo viên chủ nhiệm, tôi đã áp dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo cho lớp chủ nhiệm của mình là lớp 10A trong năm học 2020 – 2021 hướng tới “lớp học hạnh phúc”. Lớp học đã trở thành ngôi nhà thứ hai của các em học sinh, nơi mà các em luôn được yêu thương, được thể hiện tình yêu thương của mình tới thầy cô và bạn bè; các em luôn hạnh phúc, có cảm xúc tích cực khi đến lớp – một không gian ấm cúng, sáng tạo – một lớp học đã được xây dựng nét văn hóa riêng mà các em luôn cảm thấy an toàn, được thấu hiểu và tự tin thể hiện những giá trị của bản thân.
Trong công tác chủ nhiệm, cô giáo đã luôn đổi mới các hoạt động để xây dựng lớp học hạnh phúc như: xây dựng văn hoá lớp học, tổ chức các hoạt động đa dạng, lồng ghép giá trị sống cho học sinh. Đây là những hoạt động thiết thực cho học sinh giúp các em “ mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
3. Tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn trường tham dự buổi báo cáo của cô Hương qua phần mềm Microsoft Teams đã vô cùng ấn tượng, khâm phục, xúc động trước phần trình bày vô cùng thiết thực và ý nghĩa. Đây chính là tấm gương đáng tự hào của thầy và trò trường THPT Minh Phú. Hy vọng từ những năm sau, sẽ có thêm nhiều thầy cô giáo tiếp tục được tham gia báo cáo giải thưởng danh giá “ Nhà giáo tâm huyết sáng tạo” của Thủ đô.
Tác giả: Ban giám hiệu
Nguồn tin: THPT Minh Phú