Minh Phú trong tôi

MÃ BÀI DỰ THI: MP10V.06

MINH PHÚ TRONG TÔI!

“Ngày ngày cắp sách đến trường

Cơm cha áo mẹ tình thương cô thầy”

Lời thơ như vang vọng mãi trong tâm hồn mỗi con người. Khi sinh ra, cha mẹ cho ta hình hài, dáng đứng, cho ta dòng sữa mát lành và nuôi ta lớn khôn. Rồi cuộc đời lại bước sang một hướng đi mới khi ta cắp sách đến trường, cho ta gặp những người cha, người mẹ thứ hai, khi đó, dòng sữa ngọt chính là nguồn tri thức và lời cha dạy, là lời thúc giục, vẫy gọi ở ngoài kia khơi xa của cuộc đời.

Nếu ai đó hỏi tôi; “kỷ niệm làm bạn nhớ nhất trong quãng thời học sinh của mình là gì?”, tôi sẽ mỉm cười thật tươi mà trả lời:  “đó là thầy cô, bạn bè dưới mái trường THPT Minh Phú!”. Nặng lòng lắm- Minh Phú thân yêu của tôi!

Minh Phú trong tôi…

Là một ngày mùa thu tháng 9 năm 2011- cái ngày đầu tiên tôi thấy mình nhỏ bé khi đứng trước ngôi trường mà đối với tôi, nó thật “hùng vĩ”. Đó là ngày cầm phiếu báo điểm trên tay, rồi hồ sơ, giấy tờ đi nhập trường. Ngày đó chúng tôi không được bố mẹ đưa đi như các em bây giờ, cả lũ dậy từ sớm rồi lóc cóc đạp xe hơn 6km, nhưng cả đoạn đường đi không ngớt những tiếng cười của sự mong chờ và háo hức.

Thật khó để diễn tả cảm giác của mình lần đầu tiên đặt chân vào cánh cổng trường Minh Phú! “Chà, to thật đấy!”. Cái không gian rộng lớn thật dễ khiến một đứa bé 15 tuổi như tôi bị choáng ngợp và lọt thỏm, cảm thấy mình nhỏ bé, chơi vơi… bao nhiêu xúc cảm len lỏi vào tâm trí, mông lung và khó gọi tên.

Minh Phú trong tôi…

Là cảm giác xa lạ với một môi trường mới, thầy cô và bạn bè mới. Quen rồi những ngày tháng học dưới mái trường cấp 2- ngôi trường bé nhỏ khuất sau những hàng cây rợp bóng, ở nơi ấy, được thầy cô bao bọc, được nô đùa bên đám bạn với biết bao trò chơi tinh nghịch của thời trẻ thơ. Rồi bỗng phải xa nơi thân thuộc ấy để làm quen với ngôi trường này. Khỏi phải nói tôi hụt hẫng và chơi vơi như thế nào khi đứng giữa biển người cùng chang lứa nhưng chưa hề tiếp xúc và quen biết nhau. Lúc ấy chỉ ước có mẹ ở bên để khóc cho thỏa cái tủi thân đang chất chứa ở trong lòng.

Cảm giác sợ hãi càng được dâng lên khi biết mình được vào lớp chọn. tôi bắt đầu hoang mang và tự đặt ra cho mình bao nhiêu câu hỏi: “mình có theo được không? Chắc lớp chọn toàn là những bạn xuất sắc, hay là mình xin chuyển lớp…?”. Bao nhiêu câu hỏi không lời giải đáp là bấy nhiêu nỗi lo lắng bủa vây tâm trí tôi. Nhưng rồi được bố mẹ và gia đình động viên, tôi không còn sợ nữa. Chuẩn bị sách vở và tự hứa với lòng mình cần phải nỗ lực không ngừng trong môi trường học tập mới, đặc biệt là trên cương vị của một học sinh lớp A!

Minh Phú trong tôi…

Là ngày đầu tiên bước vào lớp. Chọn cho mình một vị trí ngồi ở cạnh cửa sổ, im thin thít nhưng tôi không quên đưa mắt xung quanh nhìn lén mọi người. Những cái chào hỏi, làm quen đầy mới mẻ của những người xa lạ từ khắp nơi đổ về, gượng gạo và ngây thơ, tinh khôi và hồn nhiên quá…

Là lần đầu tiên tôi được trông thấy thầy hiệu trưởng- người thầy với nét mặt hiền từ và phúc hậu. Trong suy nghĩ của tôi thì thầy hiệu trưởng sẽ luôn mang dáng vẻ uy nghi, nghiêm túc- những tố chất của một người lãnh đạo. Nhưng không, thầy hiệu trưởng của tôi là một người thân thiện với học sinh, tâm lý và rất hay cười. Nhớ những giờ giải lao hay những buổi chiều sau giờ học, mọi người không còn lạ lẫm với hình ảnh thầy ra sân đánh bóng chuyền với học sinh, lúc đó mọi người dường như quên đi thầy với cương vị là một người hiệu trưởng. Tôi nhớ những buổi sinh hoạt, cả lớp được thầy lên thăm và động viên cố gắng học tập: “ lớp chúng ta là lớp đầu tàu, các em phải học hành chăm chỉ để không phụ lòng thầy cô, xứng đáng là lớp gương mẫu để các bạn noi theo và học hỏi!”. Cảm động hơn là những lần được thầy sẻ chia áp lực học tập, bằng kinh nghiệm và cả tấm lòng, thầy truyền đạt cho chúng tôi những lời khuyên bổ ích. Có lẽ với những thầy cô khác, tình yêu thương được đặt phía sau sự nghiêm khắc, nhưng với thầy, tình yêu thương được ẩn chứa qua những lời nhẹ nhàng như thế…

Minh Phú trong tôi…

Là người hiệu phó lạc quan và là tấm gương đạo đức cho mọi người học tập- Cô Lực. Trong tiềm thức của tôi, cô Lực là một người điềm tĩnh, vốn sống rồi rào và dường như không có khó khăn nào cô không thể vượt qua. Cách mà cô cưng nựng học trò thật dễ khiến chúng tôi- đám quỷ nhỏ bị mủi lòng và thu phục. Có lẽ ấn tượng nhất của tôi về cô, chính là một buổi thứ hai đầu tuần cả trường dự lễ chào cờ dưới sân. Khi bài hát quốc ca vang lên, tất cả mọi người đứng nghiêm trang. Vừa lúc đó, cô bước ra khỏi phòng hội đồng. Nghe thấy bài quốc ca đang phát, cô bỗng dừng lại, nghiêm nghị, mắt hướng về phía lá cờ đầy tự hào cho đến khi bài hát dừng hẳn. Kể từ giây phút đó, cô Lực trở thành thần tượng trong lòng tôi. Từ cách nói chuyện, dáng đi đến tác phong làm việc của cô thật đáng để mọi người nể phục, ngưỡng mộ.

Là thầy Toản dạy lý- người cha luôn chiều chuộng những đứa con của A-k6. Hiếm có một người thầy lại thấu hiểu tâm lý học trò như thế. Nhớ những ngày học đến tiết 5 vất vả, nhìn lũ học trò uể oải, thầy thương lắm, nên lần nào đến tiết của thầy, cả lớp cũng nghiễm nhiên được thầy thưởng cho 5 phút nghỉ ngơi. Những buổi học chiều được ngồi tỉ tê nghe thầy hát và kể chuyện, cả lớp càng hứng thú và học tập hiệu  quả hơn, học mà chơi, chơi mà học say sưa lắm.

Là Cô Thanh dạy văn dí dỏm, lúc nào cũng bị cả lớp mặc cả và bắt nạt, để đến khi bực mình cô bảo: “này cái lớp A-k6 nhé, tức nước thì vỡ bờ nhé, các ngươi mà làm ta bực mình là ta cho giờ trung bình đấy không đùa đâu!”. Nhưng kỳ thực là sau lời đe dọa ấy của cô, cả lớp chỉ nhìn nhau cười khúc khích vì biết chắc cuối giờ sổ ghi đầu bài vẫn là 10 điểm, giờ tốt với lời nhận xét: lớp học sôi nổi! hyhy. Dạy được một năm thì cô bảo cô dỗi không thèm dạy cái lớp quỷ sứ này nữa, tiếc cô lắm nhưng vẫn phải ngậm ngùi chấp nhận  số phận. Cô giáo tiếp quản môn văn tiếp theo là cô  Đỗ Thanh Hương- người giáo viên “yêu cho roi cho vọt’. Thật vậy, phong cách nghiêm túc của cô làm những buổi đầu cả lớp thấy sợ lắm. Đối với cô, học và chơi luôn rõ ràng, nên trong tiết học, cả lớp ngồi im như thóc. Ngày mai có tiết văn thì hôm trước cả lũ sẽ nhắn tin hỏi nhau: “ cậu thuộc Tây Tiến chưa, thế bài Việt Bắc cậu thuộc đến đâu rồi?”. Và y như rằng sáng hôm sau, đứa nào đứa nấy mặt phờ phạc, mắt như gấu trúc vì hôm qua thức để học thuộc thơ… Nhưng với em thì khác, lúc nào cũng mong cả tuần có 5, 6 tiết văn. Ai bảo em là học sinh cưng của cô, cô nhỉ? Những bài giảng của cô em vẫn còn nhớ lắm. Bây giờ ra trường rồi, ngồi trên giảng đường đại học, thi thoảng em vẫn mường tượng hình ảnh cô đứng trên bục giảng bài “Chiếc thuyền ngoài xa” với bao nhiêu nhiệt huyết và tình yêu nghề. Những lời cô dạy và những đạo lý để trở thành người có ích cho xã hội này. Nhớ cô lắm cô ơi…!

Minh Phú trong tôi…

Là cô Như Anh dạy hóa nhí nhảnh, đáng yêu. Buổi học nào cũng căng hết não vì câu nói quen thuộc: ‘làm đi, nhanh lên, tôi cho 3 phút xong tôi gọi lên bảng!”. Trời ơi, toàn là đề thi đại học, đề thi tú tài từ năm nảo năm nào, cô bảo: “làm cho quen đi, tthi đại học là phải tốc độ, một câu cũng chênh lệch nhau rồi!”. Thế là cả lớp lại hì hục: “không làm được không sao chứ cô?”… “cái gì, không làm được tôi cho một điểm!”. Ôi sổ điểm của cô toàn 0 với 1 thật, đúng là cô không đùa. Rồi đứa nào cũng lo gỡ điểm. Cuối kỳ tổng kết cô lại thương tình bỏ cho mấy điểm 1 đi kẻo chật sổ. Nhớ hình ảnh cô mũm mĩm đứng trên bục rồi thi thoảng lại nguýt mấy đứa nói chuyện riêng trong giờ nhìn đến là đáng yêu! Vì thế mà tiết Hóa của cô, hình ảnh bốn góc lớp có bốn anh đứng chép bài không còn gì là lạ…

Là cô Hằng Baby dạy anh, lúc nào cũng mắng chúng tôi không thèm học, lười. Tiết anh bao giờ cũng là tiết cả lớp được “mở mang tầm hiểu biết” khi nghe cô kể chuyện khoa học, về những hiểu biết của cô trong cuộc sống. Thành thật mà nói, nếu có một điều ước, không chỉ riêng tôi mà cả tập thể A-k6, chỉ ước rằng được ngồi nghe cô mắng thêm một lần nữa cho thỏa, vì cô  mắng…ngọt như mía lùi, hý. Là cô Thúy sinh đi dạy không bao giờ cần giáo án, người bé hạt tiêu nhưng đầy uy lực. Là cô Khuyên sử đến từ vùng đất Quảng Bình xa xôi với giọng nói đầy truyền cảm, cô nói là cô yêu học sinh miền Bắc, cô yêu nghề và yêu cả chúng tôi nữa. Là cô Yến địa đanh đá cá cày nhưng hết mực quan tâm học sinh. Nét gần gũi nơi cô có lẽ là cách xưng hô cô- chúng mày với học trò. Bởi vậy mà mỗi lần đến tiết địa, đứa nào cũng cố tỏ ra nũng nịu để được cô thương. Nhưng không vì thế mà cô thiếu đi nét nghiêm túc với công việc. Những câu nói của cô dường như chưa bao giờ phai nhạt trong tôi: “học địa mà không có êke với thước kẻ thì đi học để làm gì? Đi xuống căng-tin mua ngay 10 cái thước lên cho tôi mau lên!”. Hy, cô là vậy đấy, không cần học sinh quý, chỉ cần chúng học tốt lên. Ấy vậy mà qua bao nhiêu khóa học, không có đứa nào là không nhớ cô cả. Cái nét đanh đá của cô đúng là của vùng đất Quảng Ninh không lẫn đi đâu được!…Là cô Hạnh giáo dục xì-tin và vui tính, cô  Quàng hạnh với tính cách sớm nắng chiều mưa: khi thì quá nhẹ nhàng, tâm tình thủ thỉ, khi lại hồn nhiên, lúc nào cũng muốn quay lại thời sinh viên tinh nghịch. Là thầy Thắng thể dục vui tính, lần nào cả lớp cũng thở hổn hển sau khi bị chạy mấy vòng quanh sân, thầy Giang quốc phòng lúc nào cũng lăn, lê, bò, toài đến mệt. Chỉ khổ cho các bạn nữ sợ quần áo bẩn nhưng vẫn phải nai lưng xuống sân cỏ vì những bài tập của thầy. Mỗi lần trốn tập là y như rằng bị Tên lớp trưởng hung ác Dương Kiên cầm que quất không thương tiếc. Thiết nghĩ bất công ở đấy chứ đâu…! Hy

Là thầy Tùng-người thầy không trực tiếp giảng dạy lớp tôi nhưng ấn tượng và ký ức của tôi về thầy rất lớn. Cái buổi hôm ấy, buổi thầy vào lớp dạy thay bài “Nhàn”-Nguyễn Bỉnh Khiêm, tôi nhận thấy tâm thế sống thanh cao và giản dị của thầy. Với tôi, có lẽ cuộc sống đối với thầy luôn là một dấu chấm hỏi lớn cần được giải đáp, và thầy không bao giờ ngần ngại trên con đường tìm ra câu trả lời. Tôi quý thầy- người cha béo ú hay cưng chiều và tạo động lực cho đứa con gái là tôi. Bây giờ, mỗi lần nhớ về thầy, tôi đều mỉm cười và cẩn thận dành cho thầy một vị trí trong tim tôi-một vị trí đặc biệt.

Minh Phú trong tôi…

Là người giáo viên chủ nhiệm, người mẹ, người chị Nguyễn Thị Thu Hiền. Vẻ mặt nghiêm túc, trầm ngâm của cô ngày đầu tiên bước vào lớp vẫn rõ nét trong tâm trí tôi đến tận bây giờ. Không giống những giáo viên khác, cô đặc biệt nghiêm túc trong công việc. Bởi vậy mà mỗi tiết toán của cô, đối với tôi, thời gian như ngừng trôi vậy. Những đêm thức đến 2, 3 giờ sáng để làm bài tập toán, nhớ lại tôi vẫn không hiểu vì sao ngày ấy tôi làm được. Những điểm 3,4 môn toán làm tôi thấy nản lòng và muốn bỏ cuộc. Nhưng cô chính là người không để tôi tụt lại, cô vẫn kiên trì giảng và chỉ cho tôi. Những buổi trưa ở lại trường, cô không cần nghỉ trưa, cô dành thời gian đó để giải đáp những thắc mắc và lỗ hổng kiến thức của tôi. Nhớ những khi cả lớp không học bài cũ, không làm bài tập về nhà là cô buồn, cô giận, rồi cô khóc. Thấy mình có lỗi và lại thấy thương cô. Có lẽ đám học trò hư này làm cô phiền lòng nhiều lắm. Cô không quát mắng, cô chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng: “học là học cho các em, không phải cho cô, nên các em liệu mà học cho tử tế!”. Cô của chúng tôi hay khóc, dễ xúc động. Nhớ lần cả lớp tổ chức sinh nhật cho cô, bước vào lớp cô đã rưng rưng muốn khóc vì cảm động. Khóc đấy, rồi cô lại cười giống như trẻ con vậy. Suốt ba năm học, đã bao nhiêu lần cô phải lo lắng, phải tức giận và mệt mỏi vì những việc chúng tôi làm còn chưa ngoan. Chỉ ước rằng có thể ngược dòng thời gian, chúng tôi nhất định sẽ cố gắng nhiều hơn để cô không phiền lòng…!

Minh Phú trong tôi…

Chính là khoảng thời gian được sống bên bạn bè- những người đã luôn ở bên, chia sẻ và sát cánh cùng tôi trong suốt những năm tháng đẹp đẽ của tuổi học trò. Nhớ những lần cả lớp đi lao động giữa thời tiết nắng cháy của mùa hè, làm thì ít, phá thì nhiều. Cả lũ bấu víu vào xe rác rồi đẩy khắp sân trướng, cảm giác phiêu gần chết! Rồi những lần mấy đứa trên đường đến trường không quên ăn trộm đầy một nón xoài với mít xanh mang đến lớp, chạy xuống xin cô giáo 4k mua hẳn gói muối bột canh Hải Châu về chấm cho sang, ăn xong cả lũ tất tả xuống bồn cây xoa đất cho đỡ nhựa. Chưa bao giờ cái món mít xanh lại ngon đến thế, cả lũ lao vào nhau với tinh thần quyết tử để tranh giành thứ đồ ăn chát xít, xong rồi ăn lấy ăn để kẻo trộm cắp ở khắp nơi… Nhớ những ngày mưa, cả lũ Thanh Trí khoảng 16 đứa không mũ không ô, dầm mưa suốt đoạn đường rồi lại kháo nhau ‘lãng mạn quá!”. Nhưng dù người có bị ướt như chuột lột vẫn quyết tâm bảo vệ chân kinh. Cặp sách của cả lũ sẽ chất đầy lồng xe của chị Phương Đốp( vì chị ý có áo mưa). Thế rồi đang đi được nửa đường lại có tiếng đùng đoàng vì xe của Thủy điên bị nổ lốp, và thằng Dương Kiên sẽ hy sinh thân mình để một tay lái xe đèo con Thủy, một tay dắt xe của nó, nom đến tội. Hay là những buổi chiều mát ơi là mát, cả lũ lại nghĩ ra trò 16 đứa đạp xe hàng một nối đuôi nhau, cốt để cho người đi đường chú ý. Thi thoảng lại cười như pháo rang…ngây ngô và hồn nhiên quá!

Nhớ buổi cắm trại, dù không có cô giáo chủ nhiệm nhưng cả lớp vẫn đoàn kết, bảo ban nhau. Nhớ vụ chặt chém thầy cô 100k một quả dưa hấu, dịch vụ xoa bóp miễn phí khi thầy cô đến mua hàng. Đến khi không còn ai mua thì cả lớp sẽ ùa ra giải quyết hàng ế, không mất đi đâu mà sợ, hyhy. Nhớ thằng Kiên Cang người siêu mỏng nhưng ăn rõ nhiều, trong giờ chém lung tung nên suốt ngày bị phạt, thằng Đự đĩ nhất vinh Bắc Bộ hay cái nhóm Tứ quỷ ranh ma, nhớ thằng Nghĩa mở mồm câu nào là cả lớp được phen cười vỡ bụng câu ý, nhớ con Tiên với thằng Khoa cho cả lớp nghe nhạc đám ma miễn phí…Nhớ lắm…

Nhưng qua rồi…

Bây giờ thì chúng tôi đã ra trường, mỗi đứa một cuộc sống, một lý tưởng và hoài bão khác nhau. Không còn những dịp được cùng nhau nô đùa cho tới bến, cả lớp rủ nhau đạp xe lên đền Gióng giữa trưa hè. Nhưng dù mọi thứ có thay đổi như thế nào, thì vẫn có một điều mà tôi chắc chắn…đó là tình yêu tôi dành cho thầy cô, cho bạn bè và cho ngôi trường Minh Phú!

Trong tôi, Minh Phú cứ đẹp đẽ như vậy đấy. Nhiều khi tôi tự hỏi: “nếu ngày xưa không chọn Minh Phú thì liệu bây giờ ký ức của tôi có đẹp như thế này không?”. Chỉ muốn nói lời cảm ơn  đến các thầy cô- những người truyền cho chúng tôi ngọn lửa đam mê để tiến xa hơn và biến ước mơ của mình trở thành hiện thực. Cảm ơn A-k6, nơi có những con người luôn  ủng hộ và dõi ttheo bước đường tôi đi. Cảm ơn Minh Phú- ngôi trường mang đến cho tôi bao kỉ niệm, để mỗi khi nhớ về, lòng tôi vẫn khắc khoải và xốn xang…!