TRƯỜNG THPT MINH PHÚ TÍCH CỰC GIÁO DỤC LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG CHO HỌC SINH THÔNG QUA CHUYÊN ĐỀ CHÀO CỜ

Bác Hồ kính yêu từng dạy:

“Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”

Do vậy, giáo dục lịch sử địa phương không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc khơi nguồn, bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách, bản lĩnh và tư duy của con người mà còn giúp học sinh nắm được lịch sử của địa phương nơi mình đang sinh sống mà còn hình thành ở các em lòng tự hào để từ đó các em thêm yêu quê hương và hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc góp phần đưa địa phương ngày càng phát triển.

Sóc Sơn- mảnh đất anh hùng đã hơn 3000 năm gắn bó với những câu chuyện và di tích thờ Thánh Gióng. Vì vậy việc giáo dục cho học sinh hiểu truyền thống của huyện càng vô cùng quan trọng và thiết thực.

“ Mảnh đất Sóc Sơn ở vào vị trí nối liền hai quốc đô xưa nhất của nước ta: thành Phong Châu – kinh đô của nước Văn Lang và thành Cổ Loa – kinh đô của nước Âu Lạc. Từ buổi bình minh của lịch sử con người Sóc Sơn với đôi bàn tay khéo léo và trí óc thông minh sáng tạo của mình, họ đã cùng cải tạo, chinh phục thiên nhiên, tạo ra cuộc sống. Trong cuộc sống cộng đồng họ biết dựa vào nhau, không quản nắng gió mưa ngăn, chịu đựng một nắng hai sương, góp sức bạt núi thành nương, san đồi thành ruộng, bắt đất cát, sỏi đá phải sản ra gạo, ra cơm đưa dần con người Sóc Sơn vào văn hiến, vào lịch sử.

Mảnh đất Sóc Sơn xưa thuộc Phong Châu, trong cái nôi hình thành nước Văn Lang, con người Sóc Sơn trưởng thành từ thời đại các vua Hùng đang đẩy mạnh công cuộc dựng nước và giữ nước. Đó là thời đại mà Mai An Tiêm ra biển ươm cây gieo hạt ; Hùng Hải và Sơn Tinh lo chống lũ lụt; Thủy Tinh đào lạc khơi sông ; Hùng Chủ , Lạc tướng đã dùng trống đồng để thúc quân; Hỏa Nhạc, Mai Cương biết đúc ngựa sắt cho Thánh Gióng đánh giặc… Theo thần tích thành hoàng làng Đồng Kỵ ( Tiên Sơn), văn bia ở đền của làng Hòa Sơn, làng Cẩm Bảo ( Hiệp Hòa), thần tích đền Trôi xã Xuân Kỳ thì thuở ấy cõi Sóc Sơn phải chịu đựng ba tai hoạ lớn : một là nạn giặc Mũi đỏ, hai là nạn hổ rừng, ba là nạn giặc Ân.

Đến thời kỳ hợp nhất và xây dựng nước Âu Lạc, quân Tần từ phương Bắc lại hùng hổ kéo sang với âm mưu thôn tính Đại Việt nhưng cuối cùng chúng đã bị thua to. Trong cuộc kháng chiến chống Tần bảo vệ nước Âu Lạc lần này mảnh đất Sóc Sơn với địa thế chiến lược, với tinh thần chiến đấu gan dạ bền bỉ của nhân dân đã góp phần chặn địch bảo vệ an toàn cho vùng đồng bằng trung tâm của đất nước.

Nhưng sau đó một thời gian thì vua Nam Việt là Triệu Đà lại kéo quân sang xâm lược nước Âu Lạc. Trong công cuộc đánh giặc giữ nước lần này giặc Triệu thì nham hiểm lừa lọc mà vua An Dương lại chủ quan khinh địch nên hậu quả là kinh đô Cổ Loa thành nơi máu lửa, nước Âu Lạc mất. Nhân dân cả nước nói chung, Sóc Sơn nói riêng đều đau sót, ngậm ngùi.

Sang đầu công nguyên dân Âu Lạc nói chung, dân Sóc Sơn nói riêng phải sống rất cơ cực dưới quyền thống trị của triều Đông Hán. Đó là nguyên nhân nổ ra nhiều cuộc khởi nghĩa trong cả nước: Hai Bà Trưng quyết tâm nổi dậy đánh đuổi bọn quan quân đô hộ của nhà Hán. Thắng lợi của khởi nghĩa Hai Bà Trưng là thành tích chung, sự nghiệp chung của cả dân tộc. Riêng nhân dân Sóc Sơn hồi đó cũng có những đóng góp đáng kể.

Sau cuộc chống Hán của Hai Bà Trưng (40 – 43) đến cuộc chống Lương của Lý Nam Đế và Triệu Quang Phục (542 – 550 ), địa bàn Sóc Sơn đã trở thành một căn cứ chống quân Lương quan trọng. Theo sách “Bách thần lục” và “ Thần tích Diên Lộc tổng Xuân Lai” thì ở Diên Lộc và Thọ Mi xưa có đồn trại chống Lương của Triệu Quang Phục.

Qua các tài liệu thành văn, khẩu truyền và các chứng tích nói trên thì trong khoảng 1000 năm Bắc thuộc mảnh đất Sóc Sơn đã là một địa bàn chống xâm lược, chống đô hộ rất anh dũng.Đến thời kỳ khôi phục đôc lập dân tộc, kể từ chiến thắng Bạch Đằng thời Ngô Quyền về sau, nhân dân Sóc Sơn lại hăng hái tham gia các cuộc kháng chiến vĩ đại bảo vệ Tổ quốc: chống Tống, chống Nguyên, chống Minh, chống Thanh.. .và đã lập công lớn trong cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất ở thế kỷ thứ X.

Vào giữa thế kỷ 19, năm 1858 giặc Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Cuộc bình định đẫm máu của chúng ngày càng mở rộng gây nên bao đau thương, chết chóc. Trước thảm hoạ đó triều đình nhà Nguyễn tỏ ra bất lực, chỉ có nhân dân là bền gan quyết chí đấu tranh.

Đảng cộng sản Việt Nam ra đời được ba năm, đến ngày 17 tháng 3 năm 1933, chi bộ Đảng ở Tân Yên thuộc xã Hồng Kỳ được thành lập. Đây là chi bộ Đảng cộng sản Đông Dương đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc do đồng chí Nguyễn Tạo làm bí thư chi bộ. Từ đó địa phương có hạt nhân lãnh đạo, quần chúng ngày càng giác ngộ giai cấp, giác ngộ quyền lợi dân tộc, tự nguyện đứng dưới ngọn cờ đấu tranh của Đảng và phong trào cách mạng, dù trong hoàn cảnh bí mật vẫn phát triển liên tục. Sau đó đồng chí Trường Chinh về xây dựng cơ sở ở Xuân Kỳ thuộc tổng Phù Lỗ, nhờ vậy năm 1942 chi bộ Đảng ở xã Xuân kỳ ra đời. Từ đó toả rộng ra các địa phương khác.

Các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Đỗ Mười, Lê Quang Đạo, Đào Duy Kỳ.cũng đã nhiều năm hoạt động bí mật ở Sóc Sơn, xây dựng được nhiều cơ sở Đảng. Năm 1945 nhân dân nổi dậy giành chính quyền trong tay Nhật Pháp đúng vào ngày 19 tháng 8 – ngày ban bố lệnh tổng khởi nghĩa trong cả nước.

Cách mạng tháng 8 thành công là một bước ngoặt lịch sử vô cùng vĩ đại, nhân dân Sóc Sơn biết bao vui mừng, sung sướng. Song bọn thực dâp Pháp vẫn không chịu từ bỏ giã tâm cướp nước ta với lòng tham vô hạn. Do đó ngày 3 tháng 5 năm 1949 giặc Pháp đã tràn về đất Kim Anh, Đa Phúc, chúng chiếm cầu Phù Lỗ và nhiều vị trí quan trọng, gây nên bao cảnh bắn giết, cướp phá hết sức dã man.

Trước những hành động tàn bạo của thực dân Pháp và bè lũ tay sai, quân và dân Sóc Sơn càng sôi sục căm thù, càng nêu cao quyết tâm kháng chiến, cứu nước. Dưới sự lãnh đạo của các cơ sở Đảng, phong trào thi đua lập công ở các làng, các xã đã xuất hiện nhiều tấm gương hy sinh anh dũng, gan dạ. Ngoài ra quân và dân Sóc Sơn đã lập nhiều chiến công chống giặc Pháp ở nhiều vị trí khác trong huyện như : trân Yên Ninh, Ninh Bắc (Hiển Ninh – Quang Tiến) vào tháng 10 năm 1952, trận núi Hàm Rồng năm 1953, trận Bốt Tép, trận Cao Minh…

Ngoài nhiệm vụ đánh giặc tại chỗ nhân dân đã cử hàng nghìn công nhân đi tải lương, tải đạn đến chiến trường Điện Biên Phủ, góp phần vào thắng lợi quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Suốt chín năm gian khổ trường kỳ chống Pháp, mảnh đất Sóc Sơn là cửa ngõ đi vào chiến khu Việt Bắc, một vị trí tiền tiêu, đứng đầu sóng ngọn gió để bảo vệ chiến khu, bảo vệ đầu não cuộc kháng chiến thần thánh vĩ đại của dân tộc.

Thắng lợi giòn giã ở chiến trường Điện Biên là thế mạnh của ta trên bàn đàm phán tại hội nghị Giơ-ne-vơ. Tiếp sau đó là hội nghị Trung Giã được tổ chức trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Thắng lợi ở hội nghị Trung Giã lại một lần nữa khẳng định thắng lợi của cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Hoà bình lập lại chưa được bao lâu, nhân dân Sóc Sơn lại cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Sóc Sơn đã phối hợp với các đơn vị bạn chiến đấu qua 702 trận, độc lập tác chiến 344 trận, đã cùng các đơn vị chủ lực bắn gục 11 máy bay của giặc Mỹ, trong đó có 3 máy bay chiến lược B52, bắt sống được 8 tên giặc lái và tiêu diệt được 12 tên.

Tóm lại trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đảng bộ Sóc Sơn đã vận động được quân dân lập được nhiều chiến công vẻ vang đánh giặc cứu nước, xứng đáng với nhiều huân chương, nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Chính phủ; xứng đáng với danh hiệu: Huyện anh hùng lực lượng vũ trang chống Mỹ.”

(https://hanhtrinhtamlinh.com/soc-son-vung-dat-lam-len-lich-su/)

Chi đoàn 11G và 11K đã chuẩn bị nội dung chuyên đề dưới sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm và sự góp ý của Đoàn Thanh niên. Học sinh các lớp đã tổ chức chuyên đề vào tiết chào cờ ngày 14/3/2022 với hình thức trực tiếp xen lẫn online (cho học sinh F0, F1 đang điều trị Covid 19 tại nhà). Học sinh không chỉ được xem video bổ ích do 2 chi đoàn chuẩn bị kỳ công mà còn được tham gia trả lời các câu hỏi trắc nghiệm trên phần mềm Azota. Từ đó, học sinh càng thêm hiểu và trân trọng những cống hiến của cha ông để các em có cuộc sông hòa bình, ấm no như ngày hôm nay. Hy vọng thông qua chuyên đề bổ ích này, các em sẽ cố gắng học tập chăm chỉ để góp sức giúp Sóc Sơn ngày càng phát triển.

Tác giả: Ban giám hiệu

Nguồn tin: THPT Minh Phú